Nhu cầu của Doanh nghiệp

Phát huy hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm

Vốn vay giải quyết việc làm là một trong số các nguồn vốn tín dụng chính sách đang được Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội thị xã Hương Trà triển khai thực hiện hiệu quả. Đây được coi là “cần câu” để doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động.

Là một trong số khách hàng được vay vốn từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, với số tiền 50 triệu đồng, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Nhi đã có thêm điều kiện mở rộng mô hình chăn nuôi của gia đình.

Theo chị Nhi, những năm trươc do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc chăn nuôi lợn của gia đình gặp khó khăn. Vì thế, khả năng quay vòng vốn của gia đình cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên được sự trợ giúp của cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình tôi đã tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Trà. Với nguồn vốn này, tôi đầu tư cho đàn lợn giống. Sau gần 2 năm vay vốn chăn nuôi, đời sống gia đình cũng như tình hình chăn nuôi của gia đình ngày một ổn định hơn.

Không riêng gì chị Nhi, chương trình cho vay giải quyết việc làm còn có ý nghĩa rất lớn đối với hộ sản xuất, kinh doanh khó khăn, cần vốn để trợ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn Hương Trà đạt hơn 102,5 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn từ Trung ương, từ Tỉnh phân bổ hàng năm, thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội thị xã Hương Trà cũng tích cực phối hợp với các ngành, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh giải ngân vốn vay giải quyết việc làm và các nguồn vốn khác đến với người dân. 

Hiện, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đặc biệt, nguồn vốn luôn luôn đáp ứng 100% nhu cầu của hộ nghèo và hộ cận nghèo, và được ưu tiên giải ngân ngay khi khách hàng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn.

Số liệu từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Trà, hiện có 116 hộ nghèo và 543 hộ cận nghèo đã vay vốn và đang còn dư nợ tại NHCSXH; gần 200 học sinh, sinh viên vay vốn để trang trải các chi phí sinh hoạt và học tập, giảm bớt áp lực lo toan tài chính cho phụ huynh; 35 lao động vay vốn để đi xuất khẩu lao động; 38 hộ gia đình hộ nghèo là người dân tộc thiểu số vay vốn theo Nghị định 28 của Chính phủ hơn 1,5 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà để ở; 160 hộ gia đình vay vốn từ chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ với số tiền hơn 51,4 tỷ đồng để cải tạo, sữa chữa, xây dựng mới nhà ở; hàng năm giải quyết cho bình quân hơn 600 lao động nhàn rỗi có việc làm nhờ vay vốn từ nguồn Hỗ trợ tạo việc làm.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách, đã góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn thị xã Hương Trà.

Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Trung, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Trà, nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn rất lớn nhưng nguồn vốn chưa đáp ứng tương xứng, đặc biệt là nguồn vốn địa phương phân bổ hàng năm từ ngân sách UBND thị xã. Vì thế, ngoài công tác phối hợp với các địa phương, hội đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn thúc đẩy nguồn vốn tín dụng đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Phòng giao dịch cũng mong muốn sự đồng hành của Thị uỷ, HĐND, UBND thị xã trong việc quan tâm chuyển tải nguồn vốn uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Trà để bổ sung thêm nguồn vốn cho các chương trình, nhất là cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

 


Tin tức liên quan