Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp

Giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất

Giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất

Ngày cập nhật: 24/06/2011 07:19 AM

Gần đây, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa của thành phố diễn ra nhanh chóng. Cùng với đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà máy, xí nghiệp khiến cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố bị thu hẹp; thậm chí nhiều hộ dân không còn đất để sản xuất.

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ở một số nơi không có quỹ đất dự phòng, trong khi sự chuyển dịch lao động sang ngành nghề khác diễn ra rất chậm. Vì vậy, xảy ra tình trạng một bộ phận người dân ở các phường ven thành phố thiếu đất sản xuất. Tình trạng lao động không có việc làm do bị thu hồi đất và thiếu nghề phụ đang tăng cao. Việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho con em hộ nông dân bị thu hồi đất và tạo việc làm cho họ chưa đáp ứng được yêu cầu; sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ngành nghề và cơ cấu lao động ở nông thôn tương đối chậm.


Nhiều nông dân sau khi bị thu hồi đất đã được hỗ trợ học nghề may để chuyển đổi ngành nghề.

Trước thực trạng này, tỉnh và thành phố đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn chương trình 120 để sản xuất kinh doanh, như: trồng cây ăn quả, trồng hoa, cây cảnh, rau sạch và làm dịch vụ. Nhằm giúp người dân, nhất là các địa phương vùng ven nắm bắt các chủ trương mới về chinh sách đào tạo nghề, từ đầu năm đến nay thành phố đã tổ chức 3 lớp tập huấn về những ưu tiên cho thanh niên nông thôn trong quá trình đào tạo nghề theo tinh thần quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ tại các phường Thủy Xuân, Phú Hậu và Hương Sơ. Một bộ phận khác còn được đăng ký học nghề miễn phí nhằm giúp họ chuyển đổi ngành nghề hoặc xin vào làm tại cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở trong và ngoài tỉnh.

 
Những cuộc điều tra về việc làm vẫn được tổ chức khá thường xuyên, song hiện vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu, thống kê cụ thể số người dân phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thu hồi đất sản xuất phục vụ những dự án mở rộng khu công nghiệp và xây dựng các nhà máy, xí nghiệp tại đây. Trên thực tế, mỗi dự án thu hồi đất nông nghiệp được triển khai, thành phố đều dành phần không nhỏ trong tổng số kinh phí đền bù để hỗ trợ cho người dân chuyển đổi ngành nghề và ổn định cuộc sống trong vòng sáu tháng đến một năm.
 
 
An Hòa là địa phương chịu ảnh hưởng khá lớn của tiến trình đô thị hóa. Được biết, để có đủ diện tích đất mở rộng Cụm công nghiệp làng nghề Hương Sơ, mỗi năm có khoảng vài ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây bị thu hồi. Nhiều hộ dân trong phút chốc cầm trong tay số tiền đền bù vài chục triệu đồng - một số tiền không nhỏ đối với những người “chân lấm tay bùn” như họ. Tuy nhiên, việc sử dụng số kinh phí hỗ trợ như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều người dân sau khi nhận được số tiền đền bù hỗ trợ tương đối lớn vài chục triệu đồng đã không có kế hoạch chi tiêu và đầu tư đúng, nên chỉ sau một thời gian ngắn, họ lại rơi vào cảnh thất nghiệp, túng quẫn.
 
 
Thành phố đã hoàn thành phần đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp - làng nghề Hương Sơ giai đoạn 8. Cùng với việc tiếp tục kêu gọi đầu tư hiệu quả, thành phố đã triển khai đề án qui hoạch, phát triển Cụm công nghiệp - làng nghề Hương Sơ. Đồng thời, sắp xếp để đảm bảo việc tiếp nhận thêm các cơ sở sản xuất được di dời từ nội đô. Để giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người dân bị thu hồi đất, thiết nghĩ thành phố cần chú trọng hơn trong công tác tạo việc làm mới cũng như đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu lao động. Việc thu hồi đất phải tuân thủ theo nguyên tắc nhu cầu đất đến đâu thu hồi đất đến đó. Đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện cho nông dân có việc làm mới để có thu nhập ngay trên địa bàn với phương châm “ly nông bất ly hương”.
 
 
Riêng các hộ nông dân có nhu cầu tái định cư ở các nơi khác, cần tổ chức tốt việc di dân, định cư. Cùng với các giải pháp trên, các ngành cần phối hợp với doanh nghiệp mở các lớp dạy nghề mới, miễn phí cho nông dân để họ có thể chuyển sang lao động trong các lĩnh vực khác. Đề xuất chính sách cho vay vốn ưu tiên để nông dân chuyển nghề và ưu tiên cho con cái họ về học tập, công ăn việc làm sau khi ra trường. Dùng tiền đền bù đất tham gia đóng góp cổ phần vào xí nghiệp, nhà máy trên vùng đất của họ trước đây, hoặc giúp đỡ, hướng dẫn họ sử dụng vốn có hiệu quả...Đây chính là giải pháp chủ lực, là đòn bẩy mạnh mẽ để người lao động nông thôn ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng.
 
 
Những ưu thế sẵn có, cộng với chính sách thích hợp và quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố, tin rằng chúng ta sẽ gặt hái được thành quả quan trọng hơn trong công tác đào tạo nghề, xây dựng được nguồn nhân lực đủ mạnh phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
 

Bài, ảnh: Hoài Phong (BaoThuathienhue)

 


Tin tức liên quan