Doanh nghiệp tiêu biểu năm

20 năm thăng trầm của Bia Huế

20 năm thăng trầm của Bia Huế


Ngày cập ngày: 02/12/2010 09:50 AM


Trước khi Công ty TNHH bia Huế (gọi tắt là Bia Huế) ra đời, Việt Nam chỉ có hai nhà máy bia - ở Hà Nội và ở TP Hồ Chí Minh – là thuộc loại tầm cỡ, có khả năng chi phối thị trường rộng. Hai nhà máy bia lớn kia đều do người Pháp xây dựng từ những thập niên đầu của thế kỷ XX. Cho nên, việc xuất hiện công nghệ sản xuất bia của Đan Mạch tại Việt Nam mở đầu cho những “sự lạ” về bia. Về mặt lý thuyết, bia Huế ra đời sẽ gặp nhiều thuận lợi. Nhưng trên thực tế, bia Huế đã gặp nhiều gian truân mới khẳng định được chỗ đứng của mình.

 

Tháng 11/1990, bia Huế ra mẻ đầu tiên, trên dây chuyền công nghệ 3 triệu lít/năm. Khi đó, trên thị trường Thừa Thiên Huế đang tràn ngập đủ các loại bia của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; hai loại bia của Trung Quốc là Vạn Lực và Cây Dừa; cùng mấy chục loại bia thủ công sản xuất tại Huế mà người dân quen gọi là “bia khổ”. Do mức sống còn thấp, lúc ấy, đại bộ phận người Huế chủ yếu uống “bia khổ” cho hợp túi tiền.

 

Trước thực trạng trên việc, phát triển nhanh và rộng cho thị trường bia Huế được tập thể lãnh đạo nhà máy quan tâm đồng thời với việc nâng cao sản lượng. Thị trường được mở rộng đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh. Sau mấy tháng ra đời, nhất là khi bia Huế đang bán rất chạy tại Đà Nẵng, nhà máy quyết định cân đối lại tổng thể thị trường, và đã xác định, với tốc độ sản xuất hiện tại, bia Huế chỉ đủ cung ứng từ 30% đến 40% nhu cầu. Do vậy, mở rộng quy trình sản xuất đã trở thành yêu cầu bức thiết. Tháng 2/1991, lãnh đạo nhà máy cho lập luận chứng mở rộng công suất, tăng sản lượng từ 3 triệu lít lên 6 triệu lít/năm; đến tháng 10 thì kế hoạch này được thực hiện. Nhưng, theo dự báo tốc độ phát triển, sản lượng 6 triệu lít/năm cũng chỉ là giải pháp tình thế, đáp ứng nhu cầu khủng hoảng thiếu của bia Huế trong 1 – 2 năm trước mắt, vì từ năm 1992 thị trường bia Huế liên tục được mở rộng.

 


Dây chuyền sản xuất bia Huda. Ảnh: Hoàng Thành


Sau Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng…, Bia Huế Tiếp tục phát triển thị trường ra một số tỉnh phía Bắc. Tại thị trường Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, ngay những bước đi đầu tiên của bia Huế đã có dấu hiệu ăn hàng. Thị trường Nghệ An đã có lúc sôi động hơn thị trường Đà Nẵng trước đây. Cùng lúc, thị trường Quảng Trị đã được thiết lập, thị trường Huế thì ngày càng rầm rộ, bia Huế trở nên thiếu hụt trầm trọng so với nhu cầu tiêu dùng thực tế. Năm 1993, lãnh đạo nhà máy quyết định tăng sản lượng bia Huế từ 6 triệu lên 12 triệu lít/năm. Từ năm 1993 trở đi, trên thị trường bắc miền Trung, nhu cầu tiêu thụ bia Huế ngày càng sôi động. Năm 1995, lại một lần nữa, lãnh đạo nhà máy quyết định tăng sản lượng từ 12 triệu lít lên 30 triệu lít/năm. Một sự gia tăng vượt trội. Song, cũng trong năm này, tại thị trường Nghệ An đã gặp trở ngại. Nghệ An cũng xây dựng nhà máy bia, sản phẩm của họ là ViDa (đều mua công nghệ của Đan Mạch) đã chi phối một phần khá lớn thị trường bia Huế. Mùa hè năm 1995, nước sông Hương nhiễm mặn trầm trọng. Dư luận và một số mẻ bia Huế bị nhiễm mặn, trong số đó có những mẻ được đưa ra Nghệ An và Quảng Bình. Thông tin về bia nhiễm mặn gây ảnh hưởng mạnh đến uy tín chất lượng của bia Huế, làm mất đi một phần khách hàng quan trọng. Đó cũng là cơ hội cho một số loại bia khác cạnh tranh thị trường. Thị phần bia Huế giảm hẳn ở hai tỉnh này.

 

Cũng có thể do chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của yếu tố cấu thành mà năm 1998, bia Huế trên thị trường Quảng Trị đã gặp nhiều sóng gió. Đó là sự cạnh tranh quyết liệt của bia Bivina, thị phần bia Huế giảm hẳn. Cho đến năm 1999, bia Huế còn gặp khó khăn hơn, khi mất thị phần trầm trọng ngay tại quê hương mình. Khách hàng cho rằng bia Huế nặng độ cồn hơn những bia khác. Bia Sài Gòn nắm được cơ hội, đã chiếm lĩnh thị trường Huế. Và họ đã thắng thế trong gần một năm. Trong khoảng thời gian đó, nhiều người yêu mến bia Huế đã cảm thấy xót xa khi sản phẩm quê hương chịu nhiều thua thiệt trên “sân nhà”.

 

Khôi phục thị trường, rồi giữ vững sự ổn định chất lượng đã giúp bia Huế trỗi dậy với sức mạnh của mình. Chẳng mấy chốc, thị trường bắc miền Trung của bia Huế trở lại nhộn nhịp.

 

Từ năm 2008 trở đi là sự chuyển hướng mạnh mẽ của Công ty Bia Huế. Để sản lượng bia tiêu thụ ngày càng tăng trong sản xuất, thì tư duy về mẫu mã, tư duy về thị trường cũng phải có nhiều thay đổi, trước sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều đối thủ. Công tác marketing càng được đẩy mạnh bằng việc tham gia các hoạt động cộng đồng, đến đầu tư một phần trang thiết bị cho các nhà hàng; ưu tiên cho thị trường mới, đề cao yếu tố vùng, miền…

 

Sau nhiều sóng gió thăng trầm, thị trường bia Huế đi vào ổn định và có tính bền vững. Bia Huế hiện có mặt tại 22 tỉnh, thành trên cả nước; trong đó thị trường chính là các tỉnh bắc miền Trung. Nó chiếm đến 95% thị phần bia tại Thừa Thiên Huế và Quảng Trị; 80% tại Quảng Bình và Hà Tĩnh. Từ sản lượng 3 triệu lít/năm ban đầu, đến năm 2010, bia Huế đã tăng sản lượng lên 210 triệu lít/năm. Nhìn từ tốc độ tăng trưởng sản lượng của bia Huế có thể đánh giá tổng quát sự phát triển thị trường tiềm năng của nó trong tương lai.

 

Việt Hùng

nguonBaothuathienhue


Tin tức liên quan