Doanh nhân & Doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế: đạt khoảng 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2020

      Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
 

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng bình quân trên 15%/năm và đạt khoảng 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2020. Lao động trong doanh nghiệp đạt khoảng 120.000 người. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt trên 1.100 triệu USD. Tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 60-65% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Đó là mục tiêu phát triển đến năm 2020 của Đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 1542/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2017.
Quan điểm phát triển
Thay đổi tư duy trong toàn bộ hệ thống, lấy tư duy hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp làm chủ đạo, thay cho tư duy quản lý doanh nghiệp. Quyết liệt trong công tác cải cách hành chính; tập trung chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh nhằm đảm bảo tổ chức thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm. Tạo lập môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch thông qua việc nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Tập trung mọi nguồn lực, giải pháp cho doanh nghiệp phát triển về cả số lượng cũng như chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp bằng nhiều hình thức; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, công bằng, an toàn, thân thiện và tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích mọi người dân thành lập doanh nghiệp mới; quan tâm hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.
Các giải pháp
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Giảm tối đa chi phí chuẩn bị đầu tư theo hướng hỗ trợ làm thay hồ sơ đầu tư cho doanh nghiệp (các thủ tục hành chính từ khâu giới thiệu địa điểm đến lúc dự án đi vào hoạt động); Tiếp tục cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp; Cải thiện việc tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xuống còn không quá 14 ngày; Tăng cường công tác truyền thông về những đổi mới của tỉnh đến cộng đồng người dân và doanh nghiệp.
Hỗ trợ khai thác các tài nguyên thế mạnh của tỉnh. Tăng cường công tác truyền thông các tài nguyên thế mạnh của tỉnh và vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm du lịch được cộng đồng người dân, khách du lịch bình chọn; Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các thế mạnh của tỉnh (doanh nghiệp di sản văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch chữa bệnh, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp bất động sản, doanh nghiệp nông nghiệp sạch, doanh nghiệp công nghệ thông tin,…).
Hỗ trợ về nguồn lao động. Hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; Hỗ trợ kinh phí đào tạo đối với doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người dân địa phương để phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh (thực hiện theo chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh); Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Khuyến khích doanh nhân tham gia đầu tư và giảng dạy trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng.
Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, đầu tư, kinh doanh và cơ sở hạ tầng. Cập nhật thường xuyên, công khai tại Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh về bản đồ tổng thể các đồ án quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Định kỳ 6 tháng, hàng năm rà soát lại quỹ đất trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kiên quyết thu hồi đối với những trường hợp vi phạm để bố trí cho những doanh nghiệp khác có nhu cầu; Chuẩn bị sẵn sàng về khả năng tiếp cận đất đai, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục liên quan đến đất đai, sớm triển khai dự án đầu tư, đặc biệt là những dự án tỉnh đang kêu gọi đầu tư; Phối hợp hỗ trợ nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài để tăng tần xuất bay trên các tuyến hiện có. Lập kế hoạch xúc tiến mở mới đường bay các tuyến nội địa và một số tuyến quốc tế phục vụ du khách và các nhà đầu tư. Hỗ trợ đầu tư công trình giao thông đến chân hàng rào đối với các dự án thuộc danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh; Hỗ trợ đầu tư cụm công trình đầu mối nhà máy xử lý nước thải đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh (theo hướng cụ thể hóa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cơ sở phát huy các thể mạnh của địa phương); Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường; Duy trì chính sách giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản nợ theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước; xây dựng các sản phẩm tín dụng ưu đãi phù hợp với từng đối tượng cụ thể; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến tín dụng; Nghiên cứu các chính sách thuế để áp dụng theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp nhằm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
 
Theo www.thuathienhue.gov.vn

 


Tin tức liên quan