Phản ảnh về môi trường đầu tư

Thừa Thiên Huế thu hút hơn 64 nghìn tỷ đồng đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp

Phát huy những lợi thế cùng với nỗ lực của Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, trong những năm qua, các KKT, KCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hút được nhiều dự án lớn, trọng điểm. Tính đến nay, các KKT và KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 140 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 64.300 tỷ đồng, trong đó có 35 dự án FDI với vốn đăng ký 1.740 triệu USD.

Địa bàn có vị trí thuận lợi và giàu tiềm năng

Là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm trên Hành lang kinh tế Đông tây và là Tỉnh sở hữu 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày văn hóa, được công nhận là thành phố Festival quốc gia, là trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm khoa học công nghệ và trung tâm y tế chuyên sâu…

Thừa Thiên Huế có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển, hệ thống giao thông thuận lợi và đa dạng, bao gồm đường bộ và đường sắt nằm trên tuyến xuyên Việt, hai cửa khẩu thông thương với nước bạn Lào, sân bay Quốc tế Phú Bài, cảng Thuận An cách thành phố Huế 12 km có thể đón tàu có trọng tải 2.000 tấn và đặc biệt Cảng nước sâu Chân Mây – cửa ra biển Đông của Hành lang kinh tế Đông Tây - có thể đảm bảo cho tàu hàng hóa có trọng tải đến 50.000 tấn và tàu khách du lịch quốc tế cỡ lớn nhất thế giới (225.000 GT) cập bến.

Với những tiềm năng và lợi thế vô cùng to lớn của mình, Thừa Thiên Huế được xác định là trung tâm thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế và là một trong những đầu mối giao thông của khu vực miền Trung Tây Nguyên và cả nước; là trung tâm văn hoá - du lịch; khoa học và công nghệ; y tế chuyên sâu; giáo dục - đào tạo đa ngành chất lượng cao và là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất.

Địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư

Các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) tỉnh Thừa Thiên Huế được quy hoạch tại các vùng có vị trí địa lý thuận lợi: kết cấu địa chất ổn định, không bị ngập lụt; gần nguồn nguyên liệu tập trung để phục vụ sản xuất, chế biến; có cảng nước sâu Chân Mây là điểm ra biển Đông gần nhất nối các nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây (Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar,…) với các nước Đông Bắc Á và thế giới; có sân bay quốc tế Phú Bài; hệ thống đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A nằm gần kề các KKT, KCN… Đặc biệt, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được sở hữu một vị trí được xem là thuận lợi bậc nhất hướng ra biển Đông của EWEC, GMS. Khu kinh tế nằm ở tâm điểm của 2 trung tâm kinh tế, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam là TP. Huế và TP. Đà Nẵng và 2 sân bay quốc tế lớn trong khu vực. Hệ thống giao thông hết sức thuận lợi có thể di chuyển dễ dàng đến các quốc gia lân cận và tất cả các vùng miền của Việt Nam.

Phát huy những lợi thế này, cùng với nỗ lực của Ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (BQL) và các doanh nghiệp, trong những năm qua, các KKT, KCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hút được nhiều dự án lớn, trọng điểm. Trong năm 2016, BQL đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 4.888 tỷ đồng, trong đó có 04 dự án của nhà đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 353,4 tỷ đồng. Nổi bật là dự án Khu du lịch sinh thái đầm Lập An của Tập đoàn Bitexco có tổng vốn đầu tư 3.316,8 tỷ đồng.

Quý I năm 2017, BQL đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 03 dự án của nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 1.239,7 tỷ đồng.

Tính đến nay, các KKT và KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 140 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 64.300 tỷ đồng, trong đó có 35 dự án FDI với vốn đăng ký 1.740 triệu USD. Vốn đầu tư thực hiện đến nay đạt hơn 17.000 tỷ đồng, chiếm 26,8% vốn đăng ký, trong đó năm 2016 khoảng 2.100 tỷ đồng, đạt 42,0% kế hoạch đề ra.

Với những nỗ lực trong thu thút đầu tư vào các KKT và KCN, hiện nay, tỷ lệ lấp đầy KCN Phú Bài giai đoạn I và II đạt 98,5%; KCN Phong Điền khu B và khu B mở rộng đạt 74%; KCN Phú Đa đạt 42,5%. Hiện tại, một số nhà đầu tư đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án như: Dự án hạ tầng KCN số 2 của Công ty CP Thiên Hà Kameda với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; Dự án Bến số 2 – Cảng Chân Mây của Công ty CP Cảng Chân Mây với vốn đăng ký 850 tỷ đồng; Dự án đầu tư tổ hợp dây chuyền kéo Sợi của Công ty Cổ phần Sợi Phú Quang với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng; dự án Khu du lịch sinh thái biển Lăng Cô của Công ty Cổ phần Châu Á Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư 580 tỷ đồng; Dự án tinh chế cát silic thành nguyên liệu cao cấp, siêu trắng, siêu mịn của Công ty Cổ phần Phượng Hoàng Xanh A&A với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng…


Khu du lịch Laguna tại KKT Chân Mây - Lăng Cô

Tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư

Với chủ đề của năm 2017 “Năm Doanh nghiệp; năm kỷ cương, kỷ luật hành chính”, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi để thu hút đầu tư vào địa phương, trong đó các KKT, KCN được xem nhưng địa bàn là trọng điểm thu hút đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh.

Ông Nguyễn Quê - Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (BQL) cho biết, với chủ trương luôn mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác đầu tư trong và ngoài nước nhằm tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, BQL luôn luôn chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến tìm hiểu, hợp tác và đầu tư vào các KKT và KCN trên của tỉnh. Khi thực hiện đầu tư vào các KKT và KCN trên địa bàn tỉnh, ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, các công trình giao thông, điện nước, đào tạo nghề,… nhà đầu tư sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn về thuế. Đặc biệt, các thủ tục đầu tư có liên quan được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi theo cơ chế quản lý “Một cửa, tại chỗ”, đảm bảo rút ngắn thời gian và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các KCN, Ban sẽ tập trung hỗ trợ, chỉ đạo các nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tạo quỹ đất sạch với đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Bên cạnh đó, để tạo sự cạnh tranh và làm cú hích cho kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế cất cánh, đối với KKT Chân Mây - Lăng Cô, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án quy mô lớn; tổ chức giao ban hiện trường dự án để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, đồng thời đôn đốc tiến độ triển khai dự án. Tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn KKT, đặc biệt là đê chắn sóng cảng Chân Mây. Đồng thời, tập trung rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ, không có khả năng triển khai để tạo điều kiện cho nhà đầu tư khác nghiên cứu dự án.

Để phát triển kinh tế vùng cao và miền núi, thì KKT cửa khẩu A Đớt cũng được chúng tôi đầu tư phát triển các hạ tầng thiết yếu như giao thông, trạm liên kiểm cửa khẩu; lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu kinh tế, tạo tiền đề để thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư

Xác định KKT Chân Mây - Lăng Cô và các KCN trên địa bàn tỉnh là địa bàn trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, BQL đã đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến và thu hút đầu tư. Ban đã chuyển công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) gián tiếp thông qua các hội nghị, hội thảo sang kênh XTĐT trực tiếp, xúc tiến nhà đầu tư cụ thể, DA cụ thể. Năm 2016, BQL chủ động liên hệ làm việc trực tiếp với các đối tác lớn như Công ty Tôn Đông Á, Công ty Hyosung Việt Nam để kêu gọi đầu tư vào KKT Chân Mây - Lăng Cô và bước đầu thu được những kết quả khả quan.

Hiện BQL đang tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện DA, chú trọng đến công tác triển khai và giải ngân vốn đầu tư của các DA quy mô lớn như Laguna Lăng Cô giai đoạn 2, dự án Bến số 02 và 03 - Cảng Chân Mây, dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô, dự án hạ tầng KCN Viglacera, dự án đầu tư hạ tầng Khu C- KCN Phong Điền, dự án hạ tầng Khu công nghiệp - Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, dự án hạ tầng Khu công nghiệp La Sơn,...

Phó Trưởng BQL KKT, CN tỉnh Nguyễn Quê chia sẻ thêm: “Để đạt mục tiêu năm 2017 thu hút 20 DA đầu tư vào các KKT, CN của tỉnh, BQL đang xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm; trong đó chú trọng xúc tiến với các tập đoàn, nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp có uy tín, năng lực và tiềm lực về tài chính. Tiếp tục làm việc với các Tập đoàn FLC, Vingroup, Bitexco, Viglacera; hợp tác với các tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài như Jica, Koica, Jetro để tiến hành quảng bá, tăng cường XTĐT tại chỗ.” 

 
 
 
 
 

Theo Thuathienhue.gov.vn


Tin tức liên quan