Môi trường kinh doanh

Thêm "tâm thư" của doanh nghiệp gửi Chính phủ

 Xác định nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ theo giai đoạn

Theo ý kiến của Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài, tên của Nghị quyết nên sửa thành “Nghị quyết về định hướng và giải pháp phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Phần mục tiêu nêu trong Dự thảo có thể quy định chi tiết hơn: “Đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cơ bản cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê để nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội.
Doanh nghiệp tư nhân gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô lớn hơn, hàng trăm tập đoàn kinh tế  lớn làm chủ thị trường trong nước, vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Doanh nghiệp dân doanh chiếm 48-49% GDP. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển trong ngành, lĩnh vực ưu tiên”.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết cần quy định rõ định hướng, chính sách mới căn cứ vào thực tiễn tình hình kinh doanh và phát triển DN năm 2015 và những kiến nghị của đại diện DN tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4/2016.
Đối với phần nhiệm vụ và giải pháp, nên quy định rõ các chủ trương và giải pháp, đồng thời định hướng phát triển DN đến năm 2020 có thể chia làm nhiệm vụ và giải pháp trung hạn (2016-2020), nhiệm vụ và giải pháp của năm 2016.
Nhiệm vụ và giải pháp năm 2016 có thể đưa ra các chính sách cụ thể đối với các DN gặp khó khăn, tạm thời ngừng hoạt động; đối với DN đăng ký thành lập mới, trong đó có DN khởi nghiệp và đối với cộng đồng DN để khắc phục các điểm nghẽn trong kinh doanh và đầu tư.
Trong những năm gần đây, Chính phủ, Quốc hội rất coi trọng hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng đổi mới, điển hình là Luật DN và Luật Đầu tư 2014, cũng như đang xây dựng luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ, do đó không cần thiết nêu lại những nội dung đã được thể hiện trong hệ thống luật pháp Việt Nam đối với DN.
Phần nội dung nhiệm vụ và giải pháp dài hạn đến năm 2020 có thể chia thành, nhiệm vụ và giải pháp đối với DN mới được thành lập, trong đó có DN khởi nghiệp; nhiệm vụ và giải pháp đối với việc hình thành các tập đoàn kinh tế lớn; nhiệm vụ và giải pháp đối với việc liên kết giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN trong nước để các DN Việt Nam tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu.
Cụ thể hóa việc thành lập trung tâm hỗ trợ DN
Hiệp hội DN tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Dự thảo Nghị quyết đã đề cập một cách khá toàn diện các chính sách, trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ DN. Tuy nhiên, nội dung về nghiên cứu, thành lập trung tâm hỗ trợ DN vẫn còn chung chung, không nêu rõ cách thức triển khai ra sao.
Hiện việc xúc tiến đầu tư tại Thừa Thiên Huế cũng như nhiều địa phương khác khá tốt, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các DN FDI đã phát triển khá tốt, có những đóng góp giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Nhưng sự liên kết kinh tế giữa các DN FDI và DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa là rất yếu.
Mặt khác, các chính sách hỗ trợ cho DN của Nhà nước lại thiên về ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ít tạo điều kiện cho DN tư nhân, DN vừa và nhỏ Việt Nam phát triển.
Trong giai đoạn 2016-2020, cộng đồng DN Việt rất cần sự hỗ trợ, do vậy, Chính phủ nên sớm thành lập Trung tâm hỗ trợ DN, để giúp cho các DN Việt Nam khởi nghiệp, tư vấn về pháp luật, thuế, hải quan, lập dự án đầu tư, đào tạo,...
Trung tâm hỗ trợ DN nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và đại diện của Hiệp hội DN, và nên có từ Trung ương đến địa phương. Bởi các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ rất cần sự liên kết trong từng chuỗi giá trị để phát huy vai trò của mình.
Việc thu hút các DN lớn từ nước ngoài vào đầu tư là rất cần thiết, nhưng khi ký kết hợp tác cần đưa điều kiện các DN địa phương có thể liên kết làm được gì, người lao động địa phương tham gia được gì... Do vậy, rất cần một trung tâm làm nhiệm vụ kết nối và khi mời các nhà đầu tư vào đầu tư tại địa phương.
Cần thêm “cái mới” trong phương pháp thực hiện
Theo Hội Nghề cá TP. Đà Nẵng, mục tiêu của Nghị quyết đã được đặt ra rõ ràng, quan điểm tốt, bên cạnh nhiều giải pháp đột phá, còn có những giải pháp chung chung, theo lối cũ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến phương pháp thực hiện chưa mới là do tình trạng giữa Luật, Nghị  định và Thông tư còn có sự mâu thuẫn, gây khó khăn cho DN.
Khi tổ chức thực hiện hỗ trợ DN phải có sự thay đổi quan điểm quản lý từ phía Nhà nước, phải có cơ quan chuyên gia làm luật, từ đó có quy trình xây dựng Nghị định tốt để không cần phải xây dựng Thông tư hướng dẫn, tránh những nội dung mẫu thuẫn giữa Thông tư và Nghị định, Thông tư và Luật.
Một nội dung cần thay đổi để tạo điều kiện cho DN là Nhà nước nên quy định phí, tiền phạt phải nộp hết cho Nhà nước và Nhà nước cung cấp kinh phí hoạt động cho các cơ quan nhà nước. Hiện nay, do quy định các cơ quan được giữ lại một phần phí, tiền phạt thu được nên điều này đã khuyến khích các cơ quan Nhà nước đẩy phí lên cao do đây là nguồn thu của cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra, cần xây dựng một uỷ ban đổi mới, trong đó có sự góp mặt của các Bộ, các tổ chức, hiệp hội để rà soát những quy định bất hợp lý để điều chỉnh. Còn nếu quy định như hiện nay, chỉ để các Bộ tự rà soát thì chúng ta đã áp dụng phương pháp rất nhiều năm nhưng hiệu quả đạt được chưa cao.
Thêm 3 giải pháp mở đường cho DN
Theo đánh giá của Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên, Dự thảo Nghị quyết tương đối toàn diện, tuy nhiên, đối với phần giải pháp, Hiệp hội đề xuất 3 giải pháp chính nhằm tạo động lực, sức cạnh tranh cho DN và cả nền kinh tế.
Thứ nhất, cần điều chỉnh tỷ giá VNĐ so với USD (tương đương như các nước trong ASEAN trong năm 2015), lý do của việc điều chỉnh, theo Hiệp hội, trong những năm qua chúng ta đã “neo” đồng Việt Nam vào USD.
Đây chính là nguyên nhân để hàng hóa Việt Nam trở nên quá đắt, mất khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu; hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường nội địa; nhập siêu tăng, nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Vấn đề điều chỉnh này, nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện làm được.
Thứ hai, giảm chi phí vốn vay cho DN bởi hiện nay chi phí vay vốn của DN Việt Nam gấp từ 3 đến 4 lần các DN nước ngoài (7-9%). Chi phí này có thể giảm bằng cách giảm sàn lãi suất huy động tiền gửi xuống còn 2-3% (sẽ khuyến khích người có tiền đầu tư vào sản xuất, tạo việc làm, giúp tăng trưởng kinh tế) và giảm trần lãi suất cho vay xuống 3,5-4%.
Nếu chi phí vốn vay cho DN giảm được thì hệ thống ngân hàng sẽ tự động điều chỉnh sáp nhập, đổi mới để có thể đáp ứng yêu cầu giảm lãi suất tín dụng của thị trường.
Thứ ba, xác định lại mức sống tối thiểu để định mức lương tối thiểu cho phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Mức sống tối thiểu hiện nay là thiếu cơ sở thực tiễn và chưa phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, tạo gánh nặng cho DN và tạo sức ì cho người lao động, bởi sẽ có bộ phận người lao động không cần quan tâm đến năng suất lao động mà chỉ đòi hỏi lợi ích do Nhà nước đặt ra dù chưa phù hợp.
Nếu giải quyết ngay được 3 vấn đề cơ bản trên thì sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của DN Việt, tạo được động lực cho các nhà đầu tư; tạo sự thay đổi nhận thức cho người lao động. Đó chính là động lực cho DN và cho nền kinh tế.
Ngoài ra, những vấn đề khác mà Dự thảo Nghị quyết đã nêu là rất cần nhưng phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và phải thực hiện từng bước.
Thúy An - Thủy Hằng

Tin tức liên quan