Môi trường kinh doanh

MỜI THAM GIA ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG TẠI MA-RỐC VÀ NAM PHI

Nhằm tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ma-rốc, Nam Phi, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại 2 quốc gia trên. Thời gian của chuyến công tác dự kiến từ ngày 03 đến ngày 12 tháng 11 năm 2015 (cả ngày đi và ngày về).

Vương quốc Ma-rốc là quốc gia nằm ở khu vực Tây Bắc Châu Phi. Ma-rốc nằm giáp eo biển Gibralta, là điểm ngắn nhất ngăn cách Châu Âu với Châu Phi, do đó, quốc gia này có vị trí địa lý, chính trị quan trọng ở khu vực Châu Phi. Với dân số trên 32 triệu người cùng tình hình chính trị ổn định, Ma-rốc hiện đang là một trong những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh ở châu Phi.
Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ma-rốc trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng mạnh. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ma-rốc đạt 156,4 triệu USD, tăng 43,9% so với năm 2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc đạt 147,6 triệu USD, tăng 46,1% và nhập khẩu đạt 8,8 triệu USD, tăng 12,8%. Tính tới hết tháng 6 năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Ma-rốc 75,3 triệu USD và nhập khẩu 2,7 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ma-rốc bao gồm điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm dệt may, hàng hải sản, cà phê, hóa chất, máy hút bụi và bộ phận, cao su… Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ quốc gia này là thức ăn gia súc và nguyên liệu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hóa chất, quặng và khoáng sản khác…
Thị trường Ma-rốc có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm bình dân, chất lượng vừa phải và giá không cao. Ma-rốc lại có những thế mạnh riêng với một số sản phẩm, đặc biệt là phốt-phát. Vì vậy, Việt Nam và Ma-rốc có nhiều cơ hội trao đổi các sản phẩm thế mạnh của nhau. Một số mặt hàng của nước ta như cà phê, hạt tiêu, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, sắt thép các loại, cao su, giấy và sản phẩm giấy… đã xâm nhập thị trường Ma-rốc một cách ổn định trong thời gian qua. Với vị trí địa lý của mình, Ma-rốc có thể là điểm trung chuyển để đưa hàng Việt Nam sang các nước Tây Bắc Phi cũng như EU. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi của Chính phủ Ma-rốc cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư liên doanh với các đối tác Ma-rốc, đặc biệt tại các khu công nghiệp hay khu thương mại tự do, từ đó xuất hàng vào nội địa và sang các nước lân cận.
Cộng hòa Nam Phi nằm ở cực Nam Châu Phi. Với diện tích 1,2 triệu km2 và dân số 48,4 triệu người, Nam Phi là nước phát triển nhất ở Châu Phi và là đầu tầu thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của 14 nước trong Cộng đồng Phát triển miền Nam Châu Phi (SADC). Theo Quĩ tiền tệ Quốc tế IMF, GDP của Nam Phi chiếm 1/3 GDP của toàn Châu lục. Nam Phi rất giàu tài nguyên, khoáng sản (vàng, kim cương, platin…), có nền công nghiệp, nông nghiệp tương đối phát triển. Là một quốc gia rất giàu về tài nguyên thiên nhiên, với cơ sở hạ tầng phát triển và tiềm năng tài chính tốt, Nam Phi đã trở thành “cửa ngõ” cho việc đầu tư vào khu vực Miền Nam Châu Phi.
Hiện nay, Nam Phi là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Châu Phi. Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nam Phi trong năm 2014 đạt 938,4 triệu USD, tăng 2% so với năm 2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi đạt 793,7 triệu USD, tăng 3,8%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ quốc gia này đạt 144,7 triệu USD, giảm 6,7%. Tính tới hết Quý II năm 2015, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 593,3 triệu USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 537 triệu USD, và nhập khẩu đạt 56,3 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam tới thị trường Nam Phi bao gồm: điện thoại di động, giầy dép, dệt may, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, hạt tiêu… Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu có kim ngạch lớn từ Nam Phi gồm phế liệu sắt thép, kim loại thường, sản phẩm hóa chất, hàng rau quả, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng…
Theo nội dung dự kiến của đoàn công tác, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban Thương mại hỗn hợp (UBTMHH) giữa Việt Nam và Nam Phi; đồng thời hai nước sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản. Bên cạnh các buổi làm việc với đại diện các Bộ ngành liên quan của Nam Phi và Ma-rốc, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ma-rốc tại thành phố Casablanca, Ma-rốc và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nam Phi tại thành phố Pretoria, Nam Phi. Đây thực sự là những cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp gặp gỡ, thảo luận, tiến hành giao thương, tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác Ma-rốc và Nam Phi nhằm thiết lập quan hệ làm ăn và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang những thị trường này.
Chi phí của chuyến công tác sẽ do các doanh nghiệp tự chi trả.
Bộ Công Thương thông báo nội dung trên và trân trọng mời các doanh nghiệp quan tâmđăng ký tham gia đoàn công tác nói trên trước thứ 6, ngày 16 tháng 10 năm 2015.
Địa chỉ liên hệ:
Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 04 22205409-Fax: 04 22205517
Người liên hệ: Ông Lê Phương, Phó trưởng phòng, Phòng Châu Phi.
ĐTDĐ: 091 238 1997, Email: PhuongL@moit.gov.vn

Tin tức liên quan