Phản ảnh về môi trường đầu tư

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng đảm bảo tuân thủ pháp luật
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng đảm bảo tuân thủ pháp luật
Ngày cập nhật 18/05/2015 08:17
(TTH) - Chiều 15/5, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) về hoạt động khai thác khoáng sản. Vấn đề được các DN nêu kiến nghị, thắc mắc và đề xuất chủ yếu tập trung vào nội dung liên quan đến cách tính, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Nếu điều chỉnh giảm mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, các DN sẽ giảm nộp đến vài tỷ đồng mỗi năm

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 giấy phép thăm dò thuộc thẩm quyền UBND tỉnh cấp và có 47 giấy phép khai thác khoáng sản đang hoạt động. Trong đó, 12 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp và 35 giấy phép do UBND tỉnh cấp.

Đa số các DN hoạt động khai thác khoáng sản đều cùng chung ý kiến xung quanh vấn đề cách tính và thời gian áp dụng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Trước đây, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, hay nói dễ hiểu hơn là tiền mua mỏ của Nhà nước đối với các DN không được áp dụng. Nhưng từ ngày 20/1/2014, Nghị định 203 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được áp dụng.

Tính đến ngày 15/5/2015, tổng số đơn vị được phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 56 quyết định phê duyệt với tổng số tiền phải thu là gần 934 tỷ đồng. Trong đó, Bộ TNMT phê duyệt 11 quyết định với số tiền hơn 700 tỷ đồng, UBND tỉnh phê duyệt 45 quyết định với số tiền gần 234 tỷ đồng. Tổng số tiền phải thu trong năm 2015 hơn 50,2 tỷ đồng, đến nay đã thu được gần 35 tỷ đồng.

Sau một thời gian áp dụng vẫn còn bộc lộ những tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn rất lớn cho DN, nhất là liên quan đến vấn đề tài chính. Theo ý kiến của các DN, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, do đây là một chính sách thu mới, phát sinh ngoài kế hoạch tài chính đã xây dựng của các DN nên khó bố trí nguồn vốn. Thời gian thu cuối năm 2014 và cộng dồn thu đầu năm 2015 và một số DN chưa tiến hành khai thác khoáng sản nên chưa có nguồn thu để nộp đã tạo khó khăn cho nhiều DN. Theo phản hồi từ phía Hiệp hội Khai thác đá Thừa Thiên Huế, thực tế trong quá trình khai thác mỏ lộ thiên, hệ số thu hồi chỉ đạt tối đa hệ số K từ 0,6 đến 0,8, nhưng theo NĐ 203 thì áp dụng hệ số thu hồi là 0,9 để áp dụng tính, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, điều này không hợp lý đối với thực tế. Nhiều DN cho rằng, đối với các khoáng sản làm VLXD phần lớn được sử dụng phục vụ cho các dự án xây dựng, sửa chữa duy tu các cơ sở hạ tầng tại địa phương, do đó áp dụng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 4% đến 5% sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, dẫn đến tăng chi phí xây dựng cho các dự án đầu tư công. UBND tỉnh cần xem lại công thức tính để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các DN khai thác khoáng sản.

Khó khăn khác mà đa phần các DN nêu là công suất khai thác hằng năm được quy định một mức nhất định trong suốt thời gian cho phép khai thác và sản lượng khai thác lại không ổn định, phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ hằng năm, nên DN gặp khó khăn về tài chính.

Các DN đề xuất nên cho phép được điều chỉnh công suất cho phù hợp với thực tế; đồng thời điều chỉnh việc thu tiền cấp quyền khai thác dựa trên khối lượng sản phẩm khai thác thay vì theo khối lượng sản phẩm được cấp phép khi triển khai thực hiện dự án.

Một số DN đề xuất nên giảm số lần kiểm tra đến các DN, vì hằng năm, mỗi DN phải “đón” đến 15 đoàn kiểm tra.

Ông Phan Ngọc Thọ kết luận: Quan điểm của tỉnh vẫn tiếp tục rà soát lại quy hoạch và ban hành quy hoạch để tăng cường giám sát lĩnh vực này. Đồng thời công khai, minh bạch, tiến tới đơn giản hóa, hiện đại hóa các hồ sơ thủ tục. Sớm ban hành một bộ quy trình, bộ quy định hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Ông Phan Ngọc Thọ chỉ đạo thành lập tổ nghiên cứu gồm các sở, ngành liên quan và có sự đại diện của DN hoạt động trong từng lĩnh vực khai thác cùng bàn bạc, thảo luận để sớm có một công thức tính theo đúng quy định, hợp lý.

Ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở TNMT:
 
Công tác bảo vệ mỏ chưa khai thác thực hiện chưa quyết liệt
 
Nhiều khu vực quy hoạch đã được đưa vào khai thác có hiệu quả, đảm bảo môi trường, đáp ứng được nhu cầu nguyên vật liệu trên địa bàn tỉnh và giảm đáng kể hoạt động khai thác trái phép. Tuy nhiên, công tác bảo vệ mỏ chưa khai thác được các cấp thực hiện nhưng chưa quyết liệt nên vẫn xảy ra tình trạng khai thác trái phép khoáng sản như đất san lấp, cát nội đồng, cát lòng sông… Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế cấp quyền khai thác khoáng sản theo hình thức bán đấu giá...
 
Ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng:
 
Cần công bố hợp quy sản phẩm đúng quy định
 
Hầu hết các giám đốc điều hành mỏ đều không đáp ứng với yêu cầu chuyên môn; quản đốc, công nhân cũng không được tập huấn các lớp về an toàn lao động cần thiết. Thời gian tới sở yêu cầu các chủ mỏ cần lập dự án thiết kế công trình mỏ; chú trọng tập huấn và trang bị bảo hộ lao động nói chung; hợp quy các sản phẩm (cát, đá) phải được công bố theo quy định...
 
Ông Phạm Minh Kiên, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh:
 
Dựa trên năng lực tài chính để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp
 
Vấn đề nổi cộm nhất là cấp quyền khai thác khoáng sản mà chủ yếu là các khoản tiền phí, thuế sau khi được cấp mỏ. Do đó, Doanh nghiệp cần xác định năng lực thực tế của mình để áp trữ lượng chính xác; tuân thủ pháp luật sẽ đảm bảo lợi ích doanh nghiệp...
 
Thái Bình (ghi)

 

Bài, ảnh: Hoài Thương

Tin tức liên quan