Tin tức & Hoạt động Hiệp Hội

Kiến nghị của Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong tỉnh

UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH

Số:     / - HHDN

“V/v Kiến nghị của Hiệp Hội DN tỉnh về hỗ trợ phát triển

doanh nghiệp trong tỉnh”

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

        Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 07 năm 2014

 

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

 

           Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và VCCI về việc phản ảnh nhu cầu, kiến nghị của doanh nghiệp dân doanh năm 2014. Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lấy ý kiến trong các doanh nghiệp hội viên và đã nhận được một số ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp hội viên. Tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh lần thứ 7, khóa II ngày 19/7/2014, căn cứ những ý kiến góp ý của doanh nghiệp, Ban chấp hành Hiệp Hội nhất trí tổng hợp nội dung các kiến nghị gửi đến UBND tỉnh, VCCI và các ngành liên quan để nghiên cứu, sớm có biện pháp hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, nhất là DN nhỏ và vừa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay:

          * Hỗ trợ về tín dụng: Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh hiện đang có nhu cầu mở rộng hoạt động SXKD hoặc triển khai các dự án mới và rất cần vốn, nhưng lãi suất tại các ngân hàng thương mại hiện nay tuy đã có giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, chưa kể việc quan hệ với ngân hàng còn nhiều thủ tục khó khăn nên khó có được nguồn vốn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, vì vậy các ý tưởng mở rộng SXKD của doanh nghiệp tuy có khả năng triển khai hiệu quả nhưng vẫn chưa triển khai được do thiếu vốn.

          Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển SXKD đồng thời cũng nhằm mục đích nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách bền vững của tỉnh, căn cứ đề xuất của doanh nghiệp hội viên (Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hoàng Viết Thắng, Công ty cổ phần Trường Sơn, Công ty cổ phần xây dựng giao thông, Công ty lâm nghiệp Phú Lộc, Công ty TNHH đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Âu lạc, Công ty Quảng cáo Hải Đường, Công ty TNHH Huế của ta, Công ty TNHH Liên Bằng, Doanh nghiệp may Đoan Trang...) Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh kiến nghị:

          1- Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành quản lý chức năng có liên quan của tỉnh nghiên cứu trích từ nguồn ngân sách của tỉnh để có một gói hỗ trợ cụ thể về lãi suất từ 1-2%/năm nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại triển khai các dự án khả thi hoặc ý tưởng mở rộng phát triển SXKD (ưu tiên hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa).

          2- Tỉnh sớm thành lập và đi vào hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng ngay trong 6 tháng cuối năm 2014 để doanh nghiệp có các dự án khả thi mà không có tài sản thế chấp có thể được bảo lãnh vay vốn SXKD.

          Quỹ bảo lãnh tín dụng ngoài việc bảo lãnh cho DN vay vốn cũng cần có một tỷ lệ nguồn vốn nhất định để hỗ trợ vốn ưu đãi cho DN phát triển SXKD hoặc hỗ trợ lãi suất vay tại các ngân hàng.

         3- Hiện tại, nhiều doanh nghiệp còn rất khó khăn về giải quyết nợ cũ trong các năm trước nên doanh thu không bù đắp được chi phí; trong đó có cả nợ vốn SXKD và nợ đọng Bảo Hiểm Xã Hội. Tỉnh cần quan tâm chỉ đạo hệ thống ngân hàng và tổ chức BHXH cùng với các doanh nghiệp liên quan thống nhất có phương án, lộ trình khoanh, giãn nợ phù hợp, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do lãi phát sinh nhiều mà khả năng doanh nghiệp không chịu đựng được.

         4- Một số doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp trên cát, mỗi năm nuôi 02 vụ tôm với nhu cầu vốn lưu động khoảng 60 tỷ đồng/vụ, nhưng các Ngân hàng thương mại trên địa bàn chỉ cấp giới hạn tín dụng vốn lưu động là 30 tỷ đồng (50%) nên gặp khó khăn trong đầu tư mở rộng SXKD. Đề nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ bảo lãnh tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn lưu động cho DN trong phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

         5- Một số doanh nghiệp xây lắp, xây dựng công trình kiến nghị:

         - Đề nghị tỉnh và các chủ đầu tư quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đưa lãi vay thi công các công trình vào dự toán hoặc giá gói thầu vì thực chất các Công ty xây dựng hoạt động chủ yếu bằng vốn vay Ngân hàng. Khối lượng công việc phát sinh đồng nghĩa với lãi vay ngân hàng cũng phát sinh. Trong khi đó Công trình hoàn thành mới nghiệm thu thanh toán, chưa kể nhiều công trình 2, 3 năm chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán cho doanh nghiệp.

        - Doanh nghiệp xây lắp hiện đang thực sự khủng hoảng niềm tin đối với cả ngân hàng lẫn chủ đầu tư do có nhu cầu vay vốn để phục vụ thi công các công trình xây dựng khi vốn từ chủ đầu tư quá chậm giải ngân, nhưng việc vay vốn ngân hàng để thi công các công trình gặp nhiều khó khăn do nợ đọng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần có biện pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ ách tắc trong vay vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn kịp thời, không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp.

         - Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với các Chủ đầu tư có kế hoạch ghi vốn cho các công trình đã nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng đã lâu nhưng chưa được thanh toán làm ảnh hưởng đến nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp.

        - Kiến nghị với các chủ đầu tư thay vì cho tạm ứng 20% giá trị Hợp đồng như trước đây nay tăng lên 40% đến 60% giá trị hợp đồng để Công ty chủ động trong thi công, giảm bới chi phí do giá cả vật liệu tăng đột biến, giảm lãi suất ngân hàng ……nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận góp phần nâng cao đời sống người lao động, nộp Ngân sách nhà nước theo đó cũng tăng lên.

         6- Thực trạng hiện nay, vốn vay của doanh nghiệp chủ yếu đến từ các tổ chức tín dụng. Tuy lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm, nhưng khả năng giải ngân vốn chưa cao. Một phần do ngân hàng rất thận trọng sợ phát sinh thêm nợ xấu, nên quá chặt chẽ trong thẩm định cho vay; mặt khác do doanh nghiệp khi tiếp xúc với các ngân hàng để vay vốn chưa chủ động xây dựng phương án, dự án vay khả thi lại không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo cho khoản vay không đủ điều kiện,…nên không vay được vốn để thực hiện dự án. Hiệp Hội DN tỉnh đề nghị tỉnh và Ngân hàng Nhà nước cần có sự chỉ đạo để các ngân hàng thương mại quan tâm hơn đến các dự án SXKD của doanh nghiệp có tính khả thi cao để giảm bớt các thủ tục quá khe khắt, cùng đồng hành giúp DN phát triển SXKD.

       * Về một số chính sách liên quan đến các doanh nghiệp cụ thể:

         1- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa vể giáo dục, y tế phản ảnh: Từ trước đến nay không hề nhận được bất kỳ một chính sách hỗ trợ nào của tỉnh, về phát triển y tế, giáo dục ngoài công lập (như về vốn vay ưu đãi, mặt bằng đất đai, hỗ trợ sau đầu tư...). Doanh nghiệp lĩnh vực này mong muốn được tỉnh có chính sách hỗ trợ cụ thể (nhưmột gói hỗ trợ lãi suất cho các DN hoạt động y tế, giáo dục như được hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn đầu tư)

         UBND tỉnh cần có cuộc gặp các DN đầu tư xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, phát triển nông thôn để nghe phản ảnh các nhu cầu, nguyện vọng, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư lĩnh vực này.

        2- Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thừa Thiên Huế đều gặp khó khăn trong SXKD do chi phí sản xuất tăng: Giá cả nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá xăng, dầu, điện, nước cũng tăng cao hơn so với trước đây; chi phí vận chuyển cao; làm cho chi phí đầu vào tăng, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, trong khi đó thị trường tiêu thụ suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh.

         Đề nghị Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý giá cả và có chính sách bình ổn giá, nhất là giá điện, nước, xăng dầu, vận tải... nhằm giúp doanh nghiệp chủ động tính toán trong lập dự án SXKD, không tăng giá điện, nước, chi phí vận tải đột ngột mà nên theo định kỳ vì đó là nhân tố cấu thành vào chi phí trực tiếp của giá thành sản phẩm.

        3- Các doanh nghiệp sản xuất gạch Tuynen ở Thừa Thiên Huế kiến nghị Bộ Xây dựng sửa đổi Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28 tháng 11 năm 2012 của Bộ Xây Dựng về quy định các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước ở đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung ( kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2013). Mục đích là muốn đưa vật liệu xây không nung vào xây dựng trong các công trình có vốn ngân sách nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu sản xuất sạch. Tuy nhiên trong thực tế, để làm được điều này, nhiều công trình của Nhà nước đòi hỏi phải thay đổi lại thiết kế dự án để đảm bảo tính pháp lý. Mặt khác cho đến nay, thị trường cung ứng lại thiếu, chất lượng, giá thành các loại gạch không nung vẫn chưa được công bố cụ thể. Vì vậy, các đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu không có cơ sở để làm dự toán cũng như thẩm định công trình. Điều này vô hình chung đã gây trở ngại cho cả đôi bên, giữa cung và cầu. Chất lượng gạch không nung được các đơn vị phía Bắc, phía Nam sản xuất ra vẫn chưa được kiểm định về chất lượng. Hơn nữa, với điều kiện thời tiết như ở miền Trung nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng và tâm lý, thói quen sử dụng của người dân thì sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ trên thị trường. Do thói quen dùng gạch nung của người tiêu dùng, giá thành của gạch không nung còn quá cao so với gạch đất sét nung do phí vận chuyển từ các nơi khác về.

         - Mặt khác, nếu nói sản xuất gạch không nung hạn chế sử dụng nguồn nguyên liệu sét, thì ngược lại, để sản xuất gạch không nung đòi hỏi phải dùng xi măng, bột đá, phế thải công nghiệp và chất phụ gia. Trong khi đó, một số nguyên liệu như bột đá phải khai thác từ thiên nhiên, phế thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh không ổn định, thậm chí là rất ít và chất phụ gia phải mua từ nước ngoài về. Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn rất lớn đối với các đơn vị sản xuất.

        Vì vậy, Bộ xây dựng cần thu hồi quy định này và chờ thêm một thời gian nữa khi đảm bảo các điều kiện như phân tích ở trên. Hiện tại chỉ nên khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung chức chưa nên bắt buộc.

       4- Một số doanh nghiệp tư nhân phản ảnh: Các văn bản của Nhà nước thì luôn nói đối xử bình đẳng giữa DN Nhà nước và DN dân doanh, nhưng nhìn vào thực tế thì còn rất nhiều suy nghĩ về nói chưa đi đôi với làm. Ví dụ: trong lĩnh vực thủ tục vay vốn, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ mặt bằng đất đai, tuyển dụng, áp giá, quan tâm chỉ đạo và lắng nghe ý kiến đối với doanh nghiệp tư nhân…thì chưa bình đẳng. Tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp dân doanh cụ thể hơn, bình đẳng hơn.

        5- Một số doanh nghiệp ngành du lịch và trong các Cụm công nghiệp phản ảnh:Tiền thuê đất hiện tại tăng quá cao, trong khi tình hình kinh tế của doanh nghiệp đang rất khó khăn. Doanh nghiệp không thể chi trả tiền thuế đất tăng gấp 4 đến 5 lần so với trước đây trong một thời gian ngắn. Việc tăng giá theo lộ trình là hợp lý. Tuy nhiên, theo những Hợp đồng trước đây quy định điều chỉnh giá đất 5 năm/lần, và không vượt quá 15% giá đã áp dụng trước đó.Vì vậy việc tăng giá như hiện tại là quá cao. Tỉnh nên nghiên cứu có chính sách hỗ trợ hoặc có gói hỗ trợ cụ thể về lĩnh vực này, tránh tăng chi phí đột ngột doanh nghiệp không chịu nổi.

            6- Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng phản ảnh việc cấp phép thành lập doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực thiếu quy hoạch, thiếu cân đối, dẫn đến tình trạng cung cầu mất cân đối nghiêm trọng. Hiện nay đầu tư cung quá cao nhưng không có cầu nên khó khăn vô cùng , chẳng hạn như: doanh nghiệp khai thác đá ở tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ cần 05 Doanh nghiệp là đủ mà hiện nay có đến 20 doanh nghiệp thì dẫn đến các doanh nghiệp đều chết.

       Sở KHĐT & Tỉnh nên khuyến cáo nhà đầu tư về kĩnh vực SXKD đã có nhiều để cân nhắc cho nhà đầu tư trước khi đăng ký kinh doanh. Việc đầu tư về SXKD gạch đá đầu tư nhiều nhưng vẫn cho phép thành lập doanh nghiệp, trong khi đó có nhiều mặt hàng cần mở rộng như dăm gỗ lại không được Tỉnh cho mở rộng.

       Việc đăng ký kinh doanh không hạn chế nhưng Tỉnh cần can thiệp để có sự phân bố mặt hàng hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định phát triển.

        7- Có doanh nghiệp phản ảnh cán bộ ngành thuế cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong công tác quyết toán thuế. Thuế phải xem DN là khách hàng là người trả lương cho mình, do vậy các cán bộ công chức ngành thuế phải có thái độ cởi mở, tác phong vui vẻ như một người bán hàng của DN, nhưng ở đây khách hàng mà lại sợ chủ hàng. Đặc biệt cần tận tình hướng dẫn các doanh nghiệp mới khởi sự doanh nghiệp về nghiệp vụ thuế, tránh để xảy ra vi phạm chính sách thuế, do doanh nghiệp không hiểu hoặc không nắm bắt được các quy định, đến khi phát hiện thì mức truy thu quá lớn, doanh nghiệp không chịu được.

         Trên đây là một số kiến nghị của HIệp Hội DN tỉnh cũng như của doanh nghiệp ở một số lĩnh vực cụ thể được phản ảnh tại Hội nghị BCH Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh lần thứ 7 (khóa II).

        Kính chuyển đến UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn để mong được nghiên cứu, giải quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2014.



 

Nơi nhận:
- Như trên;
- VCCI
- Hiệp Hội DNNVV Việt Nam.
- Ngân hàng Nhà nước tỉnh.
- Sở KH&ĐT và cá Sở liên quan
- Các ngân hàng thương mại trong tỉnh.
- Chủ tịch, các PCT, UVBCH Hiệp Hội.
- Các DN hội viên liên quan.
- Lưu VP Hiệp Hội.
TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Mậu Chi

 

 


Tin tức liên quan