Văn bản chỉ đạo của Tỉnh

Vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa bị xử phạt đến 50 triệu đồng
Vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa bị xử phạt đến 50 triệu đồng

Cập nhật 29/08/2013 08:36 AM

 
Ảnh minh họa

Đây là một nội dung trong Nghị định 93/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 20/08/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.

 

 

Nghị định chỉ rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi đổ rác hoặc rơm, rạ xuống đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa…Xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi trồng cây, để đồ vật, dựng lều quán hoặc có hành vi khác làm hạn chế tác dụng của báo hiệu đường thủy nội địa hoặc làm hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện; từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi để bùn, đất, cát, sỏi hoặc các chất phế thải khác rơi hoặc trôi xuống đường thủy nội địa; từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi dựng nhà, làm nhà nổi, xây dựng công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng hoặc phạm vi bảo vệ công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa không đúng quy định hoặc không phù hợp với giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng không đúng quy định hoặc không phù hợp với giấy phép, không có giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền…

 Xử phạt từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối vi một trong các hành vi cố ý tạo vật chướng ngại gây cản trở hoặc gây mất an toàn giao thông trên luồng; sử dụng chất nổ làm ảnh hưởng đến an toàn của công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hoặc công trình khác trên đường thủy nội địa.

Vi phạm quy định về vận chuyển người, hành khách bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 2.000.000 đồng với các hành vi không bố trí chỗ ngồi cho người, hành khách; để người, hành khách đứng trên phương tiện hoặc có hành vi khác làm mất an toàn của phương tiện; không có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định; đón, trả hành khách không đúng nơi quy định; không có nội quy an toàn hoặc không phổ biến nội quy an toàn, không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị an toàn cho người, hành khách trên phương tiện; chở vượt quá sức chở người của phương tiện vận tải hành khách ngang sông, phương tiện vận tải hành khách; người sử dụng phương tiện tốc độ cao để vận chuyển hành khách

 Vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện bị xử phát từ Cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Đối với lĩnh vực hàng hải, xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vào, rời vùng đất cảng hoặc lên tàu thuyền không được phép của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người lao động không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề; từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi khai thác cảng không đúng với chức năng của cảng hoặc cho tàu thuyền cập cầu cảng khi cầu cảng chưa được phép đưa vào khai thác, sử dụng… Đặc biệt, xử phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi bên thuê lại cho thuê kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng được thuê; từ 50.000.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi xả nước hoặc chất thải có lẫn hóa chất độc hại xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển…

Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, cá nhân hoặc tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm…

Cũng theo Nghị định này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa là 01 năm. Thời hiệu xử phạt là 02 năm đối với các hành vi vi phạm về xây dựng cảng biển, công trình hàng hải và công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, môi trường, xuất cảnh, nhập cảnh của tàu thuyền viên và hành khách.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2013; thay thế các Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21/6/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải và số 60/2011/NĐ-CP ngày 20/7/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

www.thuathienhue.gov.vn


Tin tức liên quan