Văn hoá xã hội

Huế - nâng tầm ngoại giao để phát triển và hội nhập
Huế - nâng tầm ngoại giao để phát triển và hội nhập
 
Cập nhật lúc 07:32 | 24/04/2012 (GMT+7)

Là một Cố đô có bề bày lịch sử văn hóa lâu đời, mang trong mình 2 di sản văn hóa của nhân loại, Huế đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và được các tổ chức này chọn đăng cai nhiều sự kiện quan trọng. Đó chính là cơ hội để Thành phố Huế thể hiện vai trò sứ giả văn hóa của Việt Nam trong xu thế hội nhập phát triển của thế giới hiện nay.

Thế mạnh ngoại giao văn hóa

Ngoài ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa đang trở thành một trong những phương thức ngoại giao phổ biến của thời đại, nhất là khi thế giới đang chú trọng đến xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển. Ông Nguyễn Văn Cao – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua công tác ngoại giao văn hoá của Tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Huế ngày càng được đẩy mạnh theo tin thần tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực đối ngoại, vừa góp phần quảng bá hình ảnh văn hoá và con người Huế, góp phần đưa hình ảnh đất nước Việt nam đến với thế giới, đồng thời cũng đón nhận, tiếp thu những  gia trị tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm phong phú hơn cho văn hóa địa phương mình. Điều này cũng có nghĩa là chính ngoại giao văn hóa đang giữ vai trò kết nối và hỗ trợ địa phương trong việc phát triển bền vững cũng như hội nhập quốc tế. Ngoài ra, cũng chính nhờ mối quan hệ từ ngoại giao văn hóa sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết, gần gũi giữa các bên, từ đó tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển nhiều mặt của kinh tế xã hội.

Tại cuộc Tọa đàm “ngoại giao văn hóa và phát triển bền vững” được tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế 2012, vấn đề này đã được đặt ra một cách nghiêm túc. Hầu hết các đại biểu đều nhìn nhận rằng: Tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và TP Huế nói riêng có rất tiềm năng và tràn đầy cơ hội để đưa nâng tầm ngoại giao văn hóa lên một tầm cao mới. Đó là hiếm có vùng đất nào có bề dày lịch sử lâu đời, lại chứa đựng nhiều tinh hoa văn hóa nổi bật của cả đất nước như Cô đô Huế. Việc tổ chức rất thành công các Festival Huế để làm nơi hội tụ các giá trị văn hóa đặc trưng, đa sắc màu của các vùng miền càng chứng tỏ Huế có sức hút rất lớn, hoàn toàn có thể là điểm đến mang tính chất đại diện để làm nơi hội tụ của các nền văn hóa trong nước, cũng như các quốc gia trên thế giới. Dĩ nhiên có được thành công này, một phần cũng nhờ sự tích cực của các cơ quan quản lý của Tỉnh và Thành phố Huế, luôn chú trọng mở rộng và thiết lập các mối quan hệ hợp với nhiều thành phố có những nét tương đồng với Huế, ở các quốc gia trên thế giới. Ông  Saadi Salama, đại sứ Palestin tại Việt Nam cho rằng: Thành phố Huế rất có thế mạnh để thúc đẩy văn hóa du lịch và du lịch văn hóa, có thế ví đây là một nàng công chúa của biển Đông cũng như toàn khu vực Đông Nam Á.

Nâng tầm để phát triển bền vững và hội nhập

Từ sự nhìn nhận và đánh giá cao của các đại biểu là các đại sứ, trưởng đại diện của các quốc gia đến tham dự Hội nghị, chúng ta thấy rằng, cần thiết phải xác định tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Bởi ngoại giao văn hóa rất đa dạng, nếu được thực hiện tốt, không chỉ giúp cho Huế quảng bá hình ảnh mà còn có thể đưa đến nhiều mục mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại quốc gia. Tuy vậy chúng ta cũng cần nhìn nhận thực tế là cần phải đẩy mạnh để nâng tầm ngoại giao văn hóa ở mức cao hơn những gì địa phương đang làm, phải thực hiện điều này một cách chủ động, trong đó, các thiết chế, hệ giá trị và bản sắc văn hóa độc đáo của bản địa cần được quảng bá ở cấp độ song phương và đa phương.

Trong những ngày này, TP Huế vinh dự trở thành TP đầu tiên của Đông Nam Á tổ chức Hội nghị toàn thể các thành phố lịch sử. Đây là niềm vinh dự cho Huế cũng mở ra cho Huế nhiều cơ hội. Hội nghị là nơi để gặp gỡ, trao đổi, làm sâu sắc thêm những quan điểm trong việc xác định những thách thức mang tính phổ quát của di sản; từ đó, tìm ra những giải pháp mang tính khả thi nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị di sản của các TP lịch sử, góp phần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ hội nhập. Và một điều chắc chắn là thông qua việc tổ chức thành công Hội nghị này sẽ giúp Huế được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Ông Daisaku Kadokawa, Thị trưởng TP Kyoto (Nhật Bản), chủ tịch của tổ chức này cho rằng đây là niềm vinh dự lớn cho Huế và cũng mở ra cho địa phương nhiều cơ hội. Ví như Kyoto, với hệ thống di sản đồ sộ gồm hơn 2000 chùa chiền, nhà cổ, có thể chia sẻ cách thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản với Huế. Theo ông, vấn đề chính là phải có sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước. Ông Phan Trọng Vinh, Chủ tịch UBND TP Huế khẳng định, việc tham gia vào Liên minh các thành phố lịch sử và đặc biệt là đăng cai tổ chức hội nghị toàn thể các TP lịch sử tại Huế sẽ giúp bạn bè quốc tế biết đến Huế nhiều hơn. Chúng ta có thể học hỏi được các mô hình quản lý và phát huy di sản của đô thị di sản đặc thù như Huế. Thông qua hội nghị cũng sẽ thắt chặt thêm mối quan hệ ban giao giữa các thành phố kết nghĩa, mở rộng thêm các mối quan hệ mới để đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, thu hút thêm các nguồn lực cho mục tiêu bảo tồn và phát triển.

Có thể nói, các sự kiện mang tính chất quốc tế được tổ chức trong thời gian qua là những diễn đàn quan trọng để các nhà quản lý của Huế tiếp thu những kinh nghiệm quản lý của các bạn quốc tế. Đây cũng là những cầu nối cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế lâu dài trên nhiều lĩnh vực. Các hội nghị này được tổ chức ở Huế có ý nghĩa đa mục tiêu không chỉ nâng cao vị thế của Huế mà còn là những bước đi quan trọng để Huế đi đến gần hơn mục tiêu bảo tồn các giá trị di sản thông qua sự hỗ trợ trên nhiều phương diện mà chỉ có được từ các cơ hội hợp tác này.

Quang Phong (TRT)


Tin tức liên quan