Văn hoá xã hội

Bế mạc Festival Huế 2012: Khép lại một lễ hội đa sắc màu văn hóa
Bế mạc Festival Huế 2012: Khép lại một lễ hội đa sắc màu văn hóa
 
Cập nhật lúc 07:53 | 16/04/2012 (GMT+7)

Festival Huế 2012 đã kết thúc với lễ bế mạc tại sân khấu dưới chân kỳ đài vào tối nay (15/4), khép lại một kỳ Festival hoành tráng, ấn tượng, an toàn và mang đầy tính nhân văn.

Chương trình bế mạc được bắt đầu bằng màn trống hội của Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế, tiếp nối là các điệu múa Nhịp điệu xuân, Nhịp thở sông Hương, múa Sen, tiết mục Xinh tươi Việt Nam do nhóm Cỏ lạ trình bày,... Các đoàn nghệ thuật quốc tế góp mặt với điệu múa thảo nguyên của đoàn Mông Cổ, vũ điệu dân gian của các đoàn Raices Produndas (Cuba), đoàn nghệ thuật Ấn Độ, Radunga (Nga). Cuối cùng, ca khúc Tạm biệt Huế do ca sĩ Xuân Hảo và Dàn hợp xướng nữ Trường Văn hóa Nghệ thuật Huế biểu diễn cùng tập thể diễn viên tham gia chương trình trong màn bắn pháo hoa rực rỡ đã kết thúc Festival Huế 2012, đồng thời gởi lời mời hẹn gặp lại ở Festival Huế 2014 của người dân đất Cố đô đến du khách gần xa.

Bế mạc festival 2012 (ảnh: BA-NCD)

Múa: Vũ Hội xuân - Biểu diễn: Minh Anh và Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, tốp múa Hồng Hạc Huế và trường tiểu học Vĩnh Ninh.

Bế mạc festival 2012 (ảnh: BA-NCD)

"Xinh tươi Việt Nam" - Biểu diễn: Nhóm Cỏ Lạ.

Bế mạc festival 2012 (ảnh: BA-NCD)

Múa sen qua sự biểu diễn Thúy Vân, Trung Hiếu và tập thể diễn viên múa nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen.

Bế mạc festival 2012 (ảnh: BA-NCD)

Đoàn nghệ thuật Sao Biển và nhà hát Ca kịch Huế trình bày Múa hương sen.

Bế mạc festival 2012 (ảnh: BA-NCD)

Tạm biệt Festival Huế 2012 và hẹn gặp lại ở Festival Huế 2014.

Một Festival của các chương trình nghệ thuật ấn tượng, đa sắc màu

25 đoàn nghệ thuật và các nhóm nghệ sĩ Việt Nam cùng 40 đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ tên tuổi của 28 quốc gia đến từ 5 châu lục bao gồm Pháp, Bỉ, Nga, Thụy Sĩ, Đức, Ba Lan, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Mông Cổ, Sri Lanka, Israel, Philippines, Mexico, Argentina, Venezuela, Panama, Columbia, Cuba, Mỹ, Australia,... đã tham gia biểu diễn trên 15 sân khấu tại thành phố Huế và 10 điểm biểu diễn khác ở các huyện, thị xã và Bệnh viện Trung ương Huế trong suốt 9 ngày diễn ra Festival.

Festival Huế 2012 - Nghệ sĩ guitar Paco Rentería (Mexico) biểu diễn tại sân khấu Tấy Thái Hòa (Đại Nội) tối 14/4. (Ảnh: NCD)

Festival Huế 2012 - Nghệ sĩ guitar Paco Rentería (Mexico) biểu diễn tại sân khấu Tấy Thái Hòa (Đại Nội) tối 14/4.

Bên cạnh các quốc gia đã từng tham dự Festival Huế, một số quốc gia lần đầu góp mặt đã đem đến cho công chúng những nét văn hóa đặc trưng của mình như Nhóm múa Descendance (Australia) đại diện cho cư dân đảo Torres Strait và thổ dân từ nhiều bộ lạc khác nhau trên nước Úc, đoàn Raices Profundas (Cuba) với các vũ điệu sôi động, đầy say mê cùng phong cách âm nhạc bản xứ pha trộn nét văn hóa châu Phi, Nhóm múa dân gian Tainan với nghệ thuật múa Panama, Những tay trống vùng San Millán với âm nhạc truyền thống Venezuela,... tạo nên một Festilval đa sắc màu văn hóa của các vùng đát trên thế giới.

Song song với những chương trình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam, các đoàn châu Á, Mỹ Latin, châu Đại Dương, nhiều chương trình đã để lại ấn tượng khó phai bởi sự sáng tạo vô biên của người nghệ sĩ. Đó là nhạc sĩ Max Vandervorst (Bỉ) - nhà phát minh ra nhạc cụ từ các vật dụng bị bỏ rơi: máy hút bụi, chú heo nhựa đồ chơi, các loại ống bằng kim loại, những chai thủy tinh chứa nước,..., chương trình sắp đặt âm thanh "Những chiếc gối đỏ" đọc thơ bằng giọng Huế của nghệ sĩ Vanessa Jousseaume (Pháp), quả cầu lửa khổng lồ của nhóm nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse (Pháp), âm nhạc âm hưởng châu Phi kết hợp với các yếu tố hiện đại của nhạc sĩ, ca sĩ Naby Ibrahima Condé (Senegal),...

Festival Huế 2012 - Nhạc sĩ Max Vandervorst (Bỉ) biểu diễn với những chiếc chai thủy tinh. (Ảnh: NCD)

Festival Huế 2012 - Nhạc sĩ Max Vandervorst (Bỉ) biểu diễn với những chiếc chai thủy tinh.

Ngoài ra, các lễ hội mới như "Âm vang hào khí Việt Nam", "Thiên hạ thái bình",... cùng Lễ hội Áo dài, Lễ Tế giao, Đêm Hoàng cung được dàn dựng công phu, hoành tráng cũng đã thu hút đông đảo khán giả địa phương và du khách đến thưởng thức. Đặc biệt, lễ hội đường phố Đông Á - châu Mỹ Latin chủ đề "Khát vọng xanh" trên những tuyến phố chính của Huế như Hùng Vương, Lê Lợi, Nguyễn Đình Chiểu đã mang đến cho Huế một luồng sinh khí mới, rộn rã, tưng bừng thay cho nét trầm mặc thường ngày.

lễ hội áo dài festival 2012( ẢNH: BA-NCD)

Lễ hội áo dài festival 2012, tối 9/4

Festival về làng, Festival vào bệnh viện

Festival Huế 2012 tiếp tục ghi dấu ấn thành công trong việc đưa các đoàn nghệ thuật về biểu tại các huyện, thị xã trong tỉnh để người dân thôn quê vốn không có nhiều cơ hội thưởng thức văn hóa được tiếp xúc với các chương trình nghệ thuật đặc sắc trong nước và quốc tế.

Các đêm diễn ở thị xã Hương Thủy của múa Raduga (Nga) ngày 9/4, Jazz Combo Box (Pháp) ngày 10/4, ở huyện Phong Điền của đoàn nghệ thuật dân tộc Lào Cai ngày 9/4, đoàn nghệ thuật truyền thống Kalasin (Thái Lan) ngày 10/4, ở huyện A Lưới của đoàn ca múa tỉnh Đắk Lắk ngày 9/4, đoàn Raices Produndas (Cuba) ngày 10/4,... nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của đông đảo quần chúng nhân dân. Buổi biểu diễn nào cũng chật cứng nguời xem và ai nấy đều hồ hởi, vui mừng khi không khí của lễ hội tràn đến tận vùng sâu, vùng xa.

Festival Huế 2012 - Đoàn nghệ thuật Radunga (Nga) biểu diễn trong Bệnh viện TƯ Huế chiều 12/4. (Ảnh: VNE)

Festival Huế 2012 - Đoàn nghệ thuật Radunga (Nga) biểu diễn trong Bệnh viện TƯ Huế chiều 12/4. (Ảnh: VNE)

Không những vậy, không khí của lễ hội còn tràn cả vào bệnh viện với các buổi biểu diễn của ban nhạc Mary McBride và ca sĩ Lê Cát Trọng Lý, của nhóm Cỏ lạ, và đoàn Raduga (Nga). Các nghệ sĩ đã chứng tỏ âm nhạc là phương thuốc tuyệt vời để xoa dịu những nỗi đau về thể xác mà bệnh nhân đang phải chịu đựng. Trong thoáng chốc, bệnh tật của họ dường như biến mất, chỉ còn những tình cảm ấm áp mà các nghệ sĩ gửi gắm trong tiết mục biểu diễn của mình.

Festival Huế 2012 đã kết thúc. Bên cạnh những thành công về chiều rộng như chất lượng nghệ thuật, số lượng lượt khách đến Huế,... còn có sự thành công về chiều sâu khi công chúng được tiếp cận với nhiều nền văn hóa độc đáo, nhiều thể loại nghệ thuật mới lạ, đồng thời, giới thiệu đến du khách gần xa những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của đất Cố đô nói riêng và của Việt Nam nói chung. Từ đó, tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia thông qua con đường văn hóa.

CC - BA (Netcodo)


Tin tức liên quan