Phản ảnh về môi trường đầu tư

Cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế): Mạnh nhưng vẫn là “ngôi sao cô đơn”
 
 
Cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế): Mạnh nhưng vẫn là “ngôi sao cô đơn”
 

 Không chỉ là một cảng tổng hợp mạnh, sau gần 15 năm khai thác, Chân Mây giờ đang trở thành một cảng biển thu hút khách du lịch quốc tế lớn nhất Việt Nam. Nhưng Chân Mây vẫn đang được ví như một “ngôi sao cô đơn”, chưa thể phát huy tối đa lợi thế và chưa thể góp phần tạo nên giá trị chuỗi do khâu liên kết cảng biển miền Trung còn yếu.

Cần liên kết phát triển các cảng biển

Năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Chân Mây là 2.324.982 tấn, đạt 108,65% so với kế hoạch. Đây là năm đạt doanh thu và sản lượng cao nhất kể từ ngày cảng này đi vào hoạt động. Đáng chú ý, giữa tháng 4/2019, tàu du lịch Costa Venezia đạt chuẩn 5 sao quốc tế đã đưa gần 5.000 du khách nước ngoài, cùng 1.200 thuyền viên và thủy thủ đoàn cập Cảng Chân Mây. 
Theo lãnh đạo Cảng Chân Mây, có được những kết quả trên là do đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, phương án tác nghiệp, bố trí cầu bến, điều động tàu thuyền linh động, hợp lý; chú trọng công tác xúc tiến tìm kiếm khách hàng mới cũng như đảm bảo duy trì  mối quan hệ tốt đẹp với các khách hàng truyền thống; nghiên cứu, cải tiến và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; ứng dụng công nghệ thông tin; đa dạng hóa hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ cảng biển... Những giải pháp này nhằm đáp ứng nhu cầu của chủ tàu, khách du lịch đến với Chân Mây.
Theo lãnh đạo Cảng Chân Mây, mục tiêu năm 2019 của Công ty là chú trọng xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt công tác chăm sóc, hỗ trợ khách hàng; xây dựng hoàn chỉnh chiến lược phát triển công ty đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất xếp dỡ, khai thác tối đa công suất bến số 1; xây dựng phương án tài chính và hợp tác đầu tư để thực hiện giai đoạn hoàn thiện bến số 2 …
Theo đánh giá, để phát huy hết năng lực Cảng Chân Mây, vấn đề liên kết phát triển các cảng biển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là rất quan trọng, cần thiết, tạo ra sự phát triển bền vững trong khu vực nói chung và hệ thống cảng biển nói riêng. 
Làm gì để liên kết Cảng miền Trung?
Để làm được việc này, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giao thông Vận tải cần tập trung xây dựng chính sách và thực hiện nhiều giải pháp giúp Cảng Chân Mây cũng như các cảng trọng điểm trong khu vực như Đà Nẵng, Quy Nhơn.... tăng sự liên kết để phát triển, qua đó tạo ra giá trị chuỗi của các cảng ở miền Trung. 
Theo đó, cần hình thành liên kết “mềm” giữa các cảng trong chuỗi cung ứng logistics, bao gồm liên kết và thống nhất các chính sách về dịch vụ. Trong đó, đảm bảo các tiêu chí cụ thể về tiêu chuẩn giá, năng lực bốc xếp, khả năng tiếp nhận tàu… nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ theo cam kết và được sự giám sát của trung tâm điều phối logistics khu vực.
Nên xây dựng trung tâm điều phối logistics, hỗ trợ và gắn kết các cảng biển với các hình thức vận tải khác; đồng thời giám sát, điều phối và đưa ra khuyến nghị cần thiết trong quá trình thực hiện dịch vụ của các cảng, mà trong đó phải chú trọng việc cạnh tranh về chất lượng dịch vụ không cho phép cạnh tranh về giá.
Việc xây dựng trung tâm điều phối logistics cần các nhân tố quan trọng quyết định thành công của một trung tâm logistics, đó là vị trí, quy mô diện tích đất lớn, quy mô lực lượng lao động. Vì vậy, sự quan tâm của các Bộ, ngành để lựa chọn việc thành lập trung tâm cần có nghiên cứu khoa học khi xác định vị trí cũng như quyết định đầu tư xây dựng, phương án kinh doanh phù hợp cho một trung tâm logistics.
Ngoài ra, cũng cần hình thành các mối liên kết “cứng” giữa các cảng. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã và đang có nhiều bến cảng, điều đó rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, hầu hết tất cả các cảng đều định hướng mô hình xây dựng là cảng tổng hợp với đa số quy mô còn nhỏ lẻ, rất ít cảng chuyên dùng; cơ chế, chính sách, tổ chức hoạt động cũng khác nhau. Vì vậy, nguồn lực bị phân tán, mâu thuẫn trong chế độ chính sách và cạnh tranh không lành mạnh thiếu bền vững là điều tất yếu đã, đang diễn ra.
Việc hiệp thương, sáp nhập, liên kết để tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng của nhau tạo thành cụm cảng hoặc thương cảng lớn là điều cần thiết, đem lại hiệu quả cao trong nhiều mặt. Đó là tiết kiệm chi phí quản lý và vận tải; tận dụng được khả năng xếp dỡ; có thể đón nhiều tàu vào cùng một lúc; nâng cao vị thế và thương hiệu các cảng biển miền Trung trong khu vực và thế giới.
Ông Huỳnh Văn Toàn - Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây khẳng định, Cảng Chân Mây cam kết ủng hộ mạnh mẽ đối với việc liên kết phát triển các cảng biển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cũng như sẵn sàng hợp tác với các cảng khác trong việc chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm khai thác cảng và dịch vụ logistics. 
Theo Ngô Đức Hành Báo Pháp Luật 

Tin tức liên quan