Môi trường kinh doanh

Gia nhập cộng đồng kinh tế Asean: Không chỉ biết luật chơi
GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN:
Không chỉ biết luật chơi
Ngày cập nhật 17/03/2015 19:05
(TTH) - Chiều 17/3, Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh tổ chức Hội nghị hội viên đầu năm 2015 và triển khai chuyên đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam”; với sự tham gia của gần 200 DN hội viên và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trao hoa cho các DN hội viên mới

Mở ra cơ hội

Theo Chủ tịch HHDN tỉnh Nguyễn Mậu Chi, toàn tỉnh hiện có trên 5.200 DN đang hoạt động, đa phần là DN nhỏ và vừa (chiếm 99%). Nhờ nỗ lực vượt khó, đến cuối năm 2014, hoạt động SXKD của DN đã có chuyển biến khá, góp phần thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chung của tỉnh. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,23%; thu ngân sách từ khu vực DN đạt gần 2.800 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu đạt 622 triệu USD (tăng 14% so cùng kỳ); tạo việc làm mới cho hàng ngàn lao động... Tuy vậy, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các DN còn thấp. DN dịch vụ, du lịch, thương mại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh... 

Để hỗ trợ DN, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh, HHDN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, như: vận động kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các DN hội viên; phổ biến cho DN về các hoạt động xúc tiến thương mại; các quy định mới về cải cách, đơn giản thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh kê khai thuế qua mạng; phối hợp tổ chức hội thảo kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ về vốn; tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại; lấy ý kiến của DN tham gia xây dựng, phát triển KT-XH địa phương; tổ chức các kỳ sinh hoạt chuyên đề thông tin kinh tế và các chính sách về hỗ trợ thuế, tín dụng với DN; tổ chức các lớp đào tạo về quản trị DN...

Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao bằng khen của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho đại diện lãnh đạo HHDN tỉnh

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực từ 31/12/2015, được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á với 10 quốc gia thành viên. Đây là vận hội, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với cộng đồng DN trong nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Tuy nhiên, hiện, trên 80% DN được hỏi vẫn chưa hiểu rõ về cộng đồng kinh tế chung ASEAN, chưa nắm bắt để tận dụng cao nhất cơ hội khi tham gia AEC, Chủ tịch HHDN tỉnh Nguyễn Mậu Chi thẳng thắn.

Khai thác lợi thế, hạn chế rủi ro

Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Diễn nhấn mạnh: Gia nhập vào AEC sẽ giúp các DN mở rộng trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, tiếp cận các thị trường rộng lớn; đồng thời, thêm lợi thế cho người tiêu dùng khi được tiếp cận hàng hóa rẻ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, DN Việt đứng trước nhiều thách thức về gia tăng cạnh tranh giữa các nước ASEAN và cạnh tranh tại thị trường nội địa; gia tăng các rào cản thương mại và các biện pháp phòng vệ thương mại; chi phí sản xuất của đối thủ cạnh tranh có thể thấp hơn và sự thâm nhập của các đối thủ cạnh tranh…

Khi AEC hình thành, thuế suất trong ASEAN sẽ về mức từ 0-5%. Nếu không khai thác tốt lợi thế, các DN Việt không chỉ mất thị trường khu vực, mà ngay cả thị trường nội địa cũng khó giữ vững. Thừa Thiên Huế có lợi thế nhất định về sản phẩm dệt may, du lịch, dịch vụ… Những hàng hóa, dịch vụ này đang được hy vọng có thể chống đỡ với sản phẩm tương tự của các DN AEC.

Sân chơi đã có, chúng ta đã đăng ký thi đấu, vấn đề là phải biết luật chơi và phải rèn luyện, cọ sát để có khả năng giành được phần thắng trong cuộc hội nhập này, ông Diễn nhấn mạnh.

Để Việt Nam hội nhập AEC hiệu quả, diễn giả Nguyễn Diễn cho rằng, DN đừng kỳ vọng quá mức và cũng đừng đánh giá quá thấp về AEC. Theo đó, về phía Nhà nước, tăng cường phổ biến thông tin về AEC, cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí cho DN; tăng cường hiệu quả cung ứng đầu vào cho DN với chất lượng cao hơn, chi phí thấp. Thúc đẩy vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện thương mại. Giảm tối đa các lĩnh vực độc quyền. Thực hiện có hiệu quả bảo hộ phù hợp và các biện pháp phòng vệ thương mại. Thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên ASEAN; đồng thời, thực thi có hiệu quả việc chống hàng lậu, hàng nhái đang tràn lan trong nước. Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, đặc biệt là các DN trong 12 ngành ưu tiên của tiến trình AEC.

Về chính quyền địa phương, tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật, chống tham nhũng, lãng phí, tạo môi trường kinh doanh tại chỗ thuận lợi, an toàn, thân thiện.

Đặc biệt, với các DN, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất mỗi đơn vị phải chủ động tìm hiểu về AEC, khai thác tốt những thế mạnh của mình để tận dụng những lợi thế về thuế quan, cũng như chủ động đón đầu sức ép cạnh tranh. Quan trọng là xác định mặt hàng nào các DN làm được tại Thừa Thiên Huế; cái gì Huế có năng lực cạnh tranh hơn so với bên ngoài thì tập trung vào cái đó để thực hiện. Tìm xem thị trường nào hiện nay muốn nhập khẩu những cái mình có. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ các cơ quan Nhà nước, như: Sở Công thương, Phòng Thương mại, Hiệp hội... DN phải cố gắng nỗ lực thì mới xây dựng được đất nước và cạnh tranh được với các nước.

Dịp này, HHDN tỉnh được nhận bằng khen của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và kết nạp 20 hội viên mới.  

Bài, ảnh: Liên Minh

Tin tức liên quan